Camera analog VS Camera ip
Posted: October 30, 2013
Trong ứng dụng hệ thống camera Analog, tín hiệu hình ảnh thu được từ camera là tín hiệu Analog, được truyền từ camera Analog, qua đường cáp đồng trục tới Đầu ghi hình kỹ thuật số (DVR). Mỗi camera Analog được cấp nguồn điện tại chỗ hoặc cấp nguồn bằng cáp tín hiệu đồng trục RG59 (có kèm cáp nguồn). Đầu ghi hình kỹ thuật số(DVR) có chức năng chuyển đổi tín hiệu Analog sang dạng tín hiệu số (số hoá), sau đó tín hiệu được nén lại, ghi vào ổ cứng để xem lại khi cần thiết. Hiện nay, các đầu ghi hình thường được tích hợp thêm một vài tính năng thông minh như: ghi hình theo lịch đặt trước, cảnh báo chuyển động, phóng to thu nhỏ hình ảnh bằng phương pháp ảnh số (không phải bằng ống kính quang học). Màn hiển thị được đấu nối trực tiếp với DVR để hiển thị hình ảnh từ DVR hoặc cũng có thể xem hình ảnh qua mạng ip bằng máy tính, nếu DVR đươc đấu nối tới mạng ip qua cổng RJ45 Ethernet. Nếu mạng ip nội bộ (LAN) được kết nối với mạng internet, bạn có thể xem được hình ảnh từ xa thông qua mạng internet. Khi truyền hình ảnh qua mạng internet, tín hiệu hình ảnh (video) của tất cả các camera, có đấu nối tới 1 DVR, sẽ được truyền trên một luồng video (1 địa chỉ IP) mà thôi. Do vậy khá tiết kiệm về mặt chi phí.
Trong môi trường giao thức mạng IP, từng camera ip sẽ chuyển đổi hình ảnh thu được sang dạng tín hiệu số ngay trong bản thân camera đó. Việc sử lý hình ảnh như: nén hình ảnh, tích hợp tính năng cảnh báo chuyển động,… cũng được thực hiện ngay trong camera ip. Tín hiệu lối ra của camera là tín hiệu số, được truyền qua mạng ip theo tiêu chuẩn Ethernet bằng cáp mạng CAT5. Nguồn điện cho camera ip được cấp tại chỗ hoặc cấp qua cáp mạng CAT 5 bằng bộ chuyển đổi POE (Power Over Ethernet). Các camera ip, thông qua cáp mạng CAT5, được đấu nối tới thiết bị mạng trung tâm (Hub, Switch, Router,…) của mạng LAN. Các thiết bị mạng sẽ được thiết lập các tham số sao cho phù hợp với hoạt động của camera như: thiết lập địa chỉ ip, định tuyến,…
Việc quản lý các camera ip thường được thực hiện bằng phần mềm quản lý hình ảnh, được cài đặt tại Máy tính (máy chủ quản lý hình ảnh), giúp quan sát và quản lý hình ảnh thu nhận được từ các camera như: xem,ghi hoặc phát lại,… Phần mềm thường được bán kèm theo camera của hãng sản xuất, hoặc cũng có thể mua của hãng chuyên phát triển phần mềm quản lý hình ảnh cho công nghệ camera ip.
Tín hiệu từ camera ip được truyền qua mạng internet theo cách giống như DVR. Tuy nhiên, mỗi camera ip sẽ truyền một luồng dữ liệu hình ảnh riêng và có địa chỉ ip riêng. Khi xem qua mạng internet, ta có thể xem hình ảnh của một camera (nhận và truyền hình ảnh chỉ của 1 camera) hoặc cũng có thể xem hình ảnh của nhiều camera trên một màn hình nhờ phần mềm quản lý hình ảnh. Đây là tính năng khá mềm dẻo, linh hoạt của IP camera và cũng là 1 trong số các khác biệt giữa camera ip và camera Analog đứng trên góc độ xem hình ảnh qua mạng internet.
Nhìn chung
một camera hiển thị khung hình với độ phân giải CIF (352×288), chuẩn nén Mpeg4, 30 hình/s, yêu cầu băng thông cỡ 720Kbps. Theo đó, nếu ta lắp đặt 100 camera trên một mạng LAN, băng thông theo yêu cầu là 72Mbps. Cho nên, khi xây dựng hệ thống camera ip cùng chung mạng ip với hệ thống máy tính, ta cần phải tính toán sao cho băng thông của mạng sao cho đáp ứng tốt yêu cầu của toàn hệ thống.
Trên thị trường, hiện còn có các camera ip có độ phân giải cỡ vài Megapixel. Các camera này có chất lượng hình ảnh rất đẹp, tuy nhiên, cũng đòi hỏi về băng thông cho truyền hình ảnh và dung lượng ổ cứng lưu trữ hình ảnh rất lớn. Điều này có nghĩa là bạn cũng phải chi phí nhiều hơn cho băng thông đường truyền và dung lượng lớn cho ổ cứng lưu trữ.
Bạn cũng cần lưu ý, với hệ thống camera Analog có DVR, khi cần xem từ xa qua mạng ip, cũng yêu cầu lượng băng thông tương ứng. Điều khác ở đây khi so sánh với camera ip là: hình ảnh từ các camera Analog, qua DVR, sẽ chỉ truyền trên 1 luồng dữ liệu hình ảnh, chứ không phải riêng rẽ từng luồng dữ liệu cho từng camera như IP camera.
Loại camera nào có chất lượng tốt hơn?
Một điều chắc chắn, IP camera hơn hẳn camera Analog về chất lượng hình ảnh và khả năng truyền dẫn không dây. Camera Analog không thể có được độ phân giải hình ảnh lớn hơn độ phân giải của Tivi, chỉ cỡ khoảng 0.4 megapixel. Trong khi đó, camera ip hiện nay đã đạt tới 5 megapixel, lớn hơn nhiều lần camera Analog, đem lại ứng dụng đặc biệt tốt cho những môi trường lắp đặt như Ngân hàng, Toà án,… , những nơi cần bằng chứng có giá trị pháp lý cao.
Với những hệ thống camera hoạt động theo phương thức không dây, camera ip cũng tốt hơn về tính bảo mật và không bị can nhiễu bởi môi trường xung quanh
Về lắp đặt – loại nào đơn giản hơn?
Về mặt nguồn điện cung cấp cho thiết bị camera: cả 2 loại tương đương nhau về công sức bỏ ra khi lắp đặt.
Về thiết lập, cấu hình hệ thống: lắp đặt hệ thống camera analog đơn giản hơn – chỉ cần cắm cáp tín hiệu vào bộ DVR là hoạt động. Với camera IP, bạn phải gán địa chỉ IP, mở port cho router,… Khi thiết lập để xem qua mạng internet, bạn cũng tốn ít thời gian hơn cho camera anolog vì chỉ cần thiết lập cho 1 bộ DVR, còn với IP camera bạn phải thiết lập cho từng camera.