Với mức giá tầm 2,5 triệu đồng, người dùng có thể chọn mua một ổ đĩa cứng gắn ngoài có dung lượng lên đến 1TB để lưu trữ dữ liệu. Đã có một số tiến bộ đối với ổ cứng gắn ngoài qua cổng USB trong thời gian gần đây: dung lượng lên đến vài trăm gigabyte, có thể tự động backup dữ liệu, chạy ổn định với những máy có công suất nguồn yếu... Đây là phương tiện lưu trữ lý tưởng cho những công việc di động nhưng cần một khối lượng dữ liệu khổng lồ...
Tuy vậy, cần quan tâm đến một số yếu tố sau khi chọn lựa.
Các loại ổ cứng
Hiện có hai loại ổ cứng gắn ngoài, bao gồm: dạng ổ đĩa cứng máy tính để bàn, đòi hỏi cung cấp nguồn điện song song với cáp dữ liệu USB. Loại thứ hai là ổ đĩa được thiết kế nhỏ gọn hơn, thường có kích cỡ 2,5-inch, hướng đến môi trường làm việc di động, sản phẩm này không cần yêu cầu nguồn điện mà kết nối với máy tính thông qua một cáp nối USB.
Nếu thường xuyên lưu trữ những dữ liệu chừng 2 GB trở xuống, bạn chỉ cần trang bị một đĩa flash USB loại 2 GB. Đối với dữ liệu lớn hơn, bạn có thể mua thêm nhiều đĩa flash như thế nhưng việc sao chép sẽ khó hơn vì phải cắt nhỏ file sao cho vừa với từng đĩa. Khi đó, bạn có thể sắm một đĩa cứng gắn ngoài với dung lượng gấp vài chục lần đến vài trăm lần dung lượng đĩa flash USB để không phải đắn đo trong việc copy dữ liệu.
Kết nối đầu vào là quan trọng
Hầu hết hiện nay ổ cứng gắn ngoài kết nối với các thiết bị thông qua cổng USB 2.0, một số model mới nhất có tích hợp USB 3.0, song song với đó một số loại sử dụng kết nối FireWire (400 và 800) hay eSATA.
Chọn loại rời hay loại tích hợp?
Bạn có 2 cách chọn khi có nhu cầu dùng đĩa cứng gắn ngoài. Một là mua hộp đựng đĩa cứng (có chứa các cổng giao tiếp) và đĩa cứng tương thích. Hai là mua loại đĩa cứng gắn ngoài đã có sẵn hộp của nhà sản xuất. Xét về giá, cách chọn 2 sẽ đắt hơn khoảng 15 USD so với cách chọn 1 nhưng bù lại tính ổn định của đĩa thường cao hơn và có thêm nhiều chức năng khác. Hơn nữa, về sau bạn vẫn có thể thay đĩa cứng bên trong hộp đĩa bằng đĩa cứng có dung lượng lớn hơn. Ví dụ: Nếu mua ổ đĩa cứng gắn ngoài 80 GB có sẵn hộp, bạn tốn khoảng 86 USD; còn mua riêng đĩa cứng 80 GB dùng cho máy tính laptop sẽ mất 60 USD và hộp đựng đĩa cứng khoảng 10 USD.
Các ổ đĩa gắn ngoài sử dụng cổng USB 2.0 phổ biến hơn vì có thể tương thích với nhiều thiết bị, bao gồm cả netbook hay các máy tính xách tay siêu nhẹ (ultrabook), có ít nhất một cổng USB 2.0. Ít gặp hơn nhưng có tốc độ nhanh hơn là chuẩn FireWire, cung cấp các tốc độ truyền tải dữ liệu là 400Mbps hoặc 800Mbps.
Với giao diện kết nối eSATA, có tốc độ truyền tải dữ liệu rất cao, 3Gbps (3.000 Mbps), nhanh hơn nhiều so với USB 2.0. Tuy nhiên, giao diện kết nối eSATA không cung cấp điện năng qua cáp nối, thay vào đó người dùng sẽ cần trang bị một cáp cấp nguồn qua cổng USB hoặc một adapter AC bên ngoài.
Thị trường hiện đã có những ổ đĩa với chuẩn kết nối USB 3.0 có tốc độ nhanh hơn eSATA. USB 3.0 có thể tương thích ngược với USB 2.0. Một số loại ổ cứng gắn ngoài cao cấp tích hợp cả ba chuẩn USB 2.0, USB 3.0 và eSATA nhưng có mức giá cả khá cao.
Hiện nay, đa số đĩa cứng đều dùng chuẩn giao tiếp SATA, tuy nhiên còn khá nhiều hộp đĩa có cả 2 chuẩn ATA và SATA. Do vậy, nếu đang có đĩa cứng cũ dùng giao tiếp ATA, bạn hãy mua loại hộp đĩa này. Ngoài loại hộp đĩa nhỏ dùng cho đĩa cứng nhỏ 2,5 inch của máy tính laptop, bạn cũng có thể mua loại hộp đĩa lớn 3,5 inch để dùng đĩa cứng của máy tính để bàn. Ở thời điểm hiện tại, đĩa cứng gắn ngoài loại 2,5 inch chỉ có dung lượng tối đa là 250 GB, trong khi dung lượng đĩa cứng 3,5 inch gấp từ 3 lần trở lên. Vì vậy, đối với việc lưu trữ dữ liệu cực lớn để dựng phim, nhạc... có thể bạn phải sắm loại đĩa gắn ngoài có kích thước hơi lớn này.